Tổng cục Hải quan triển khai chiến dịch cao điểm chống gian lận xuất xứ

Tổng cục Hải quan triển khai chiến dịch cao điểm chống gian lận xuất xứĐó là một trong những nội dung vừa được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai theo Chỉ thị 7988 của đơn vị ban hành.

Cụ thể, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai chiến dịch cao điểm về phòng chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và chuyển tải bất hợp pháp đến hết năm 2020.
Theo đó, các đơn vị phải kiểm soát chặt chẽ tại khâu thông quan, tập trung lực lượng kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, điều tra, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm. Đặc biệt lưu ý đối với các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam tăng đột biến sang Mỹ, hàng hóa nhập khẩu có thuế suất cao, kim ngạch nhập khẩu lớn, tần suất nhập khẩu nhiều và những mặt hàng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
“Thực hiện thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, doanh nghiệp có rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng, hàng hóa bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp đấu tranh, điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm”, nội dung của chỉ thị nêu rõ.
Theo Tổng cục Hải quan, tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp. Một số quốc gia có những thay đổi lớn về chính sách thương mại theo xu hướng bảo hộ mậu dịch và tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như: Áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ... với mức thuế rất cao nhằm hạn chế nhập khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước.
Trong khi đó, Việt Nam đã tham gia ký kết, đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào các thị trường đối tác sẽ được áp dụng ưu đãi thuế quan theo đúng cam kết nếu đáp ứng quy tắc xuất xứ theo quy định. Đặc biệt cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam.
Một số vụ vi phạm chẳng hạn như trường hợp Công ty TNHH Thịnh Hòa khai báo trên tờ khai hải quan nhập khẩu là quần áo các loại, xuất xứ Trung Quốc nhưng thực tế kiểm tra trên hàng hóa ghi xuất xứ Việt Nam, Hàn Quốc; vụ Công ty TNHH sản xuất thương mại Sa Huỳnh nhập khẩu lò nướng thủy tinh nguyên chiếc, xuất xứ Trung Quốc nhưng trên sản phẩm in nhãn hiệu Asanzo có cả phiếu bảo hành in sẵn bằng tiếng Việt…
Cơ quan hải quan lưu ý các phương thức, thủ đoạn như: Hàng hóa không đáp ứng tiêu chí xuất xứ, chỉ thực hiện công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản nhưng khai xuất xứ Việt Nam trên tờ khai xuất khẩu và trên bao bì, sản phẩm in dòng chữ “Made in Vietnam”. Hoặc trộn lẫn hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu với hàng hóa được sản xuất trong nước để xuất khẩu nhưng trên bao bì hàng hóa ghi xuất xứ Việt Nam... Một số mặt hàng cần đặc biệt chú ý: Gỗ dán, gỗ ván ép,xe đạp, xe đạp điện, nồi cơm điện, đồ gia dụng, giày thể thao, quần áo...
Với các trường hợp vi phạm, quan điểm của cơ quan hải quan là bắt giữ và xử lý nghiêm.